0
Giỏ Hàng

Hỗ trợ trực tuyến

Hotline: 0933.16.3939

Skype: ufotechco

Gmail: ufotechco@gmail.com

Email: ufotechco@gmail.com

Muốn dân không dùng thiết bị can nhiễu phải nâng chất lượng phủ sóng


ICTnews - Để hạn chế tình trạng thiết bị kích sóng xuất hiện tràn lan, sử dụng tùy tiện như hiện nay, nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp viễn thông cần quan tâm hơn đến chất lượng phủ sóng, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Một trường hợp người dân dùng thiết bị kích sóng trái phép bị phát hiện.

Tại hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ TT&TT, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel kiến nghị Bộ TT&TT cùng các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý thiết bị kích sóng di động, đang gây can nhiễu trên diện rộng như hiện nay.

Theo ông Hoàng Sơn, trong thời gian qua, vấn đề can nhiễu đặc biệt rộ lên và ảnh hưởng trên quy mô rộng sau khi mạng Viettel thử nghiệm cung cấp dịch vụ 3G trên băng tần 900 MHz của 2G (đặc biệt từ đầu năm 2015). Cục Tần số, Bộ TT&TT đã tích cực hỗ trợ Viettel và các nhà mạng trong vấn đề xử lý can nhiều, tuy nhiên việc xử lý vẫn còn chậm và gặp nhiều khó khăn.

“Viettel đề nghị Bộ và cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, quản lý việc kinh doanh các loại thiết bị này trên thị trường, không thể để tình trạng người dân vào mạng cũng có thể mua rất dễ dàng. Ngoài ra, Cục Viễn thông, Cục Tần số kết hợp với các nhà mạng nếu cùng phối hợp, cùng chia khu vực xử lý thì sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn”, ông Hoàng Sơn nói.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số nhấn mạnh: Vấn đề can nhiễu do thiết bị kích sóng được nhập khẩu và bán trên thị trường bất hợp pháp đã tồn tại từ lâu. Đặc biệt là từ khi triển khai 3G, tình trạng can nhiễu càng trở nên nặng nề.

Riêng với Viettel trong tháng 5/2015 đã phát hiện 53 nguồn gây nhiễu ở một quận thuộc Hà Nội song việc tìm nguồn phát xạ không dễ dàng do nguồn phát nhỏ.

Như ICTnews từng phản ánh, không chỉ mạng 3G của Viettel bị gây nhiễu, tình trạng người dân dùng điện thoại không dây kéo dài xuất xứ từ Mỹ sử dụng băng tần cùng tần số với MobiFone, gây nhiễu cho mạng 3G của nhà mạng này cũng được phát hiện, cảnh báo từ nhiều năm nay. Thế nhưng, vấn nạn này vẫn tiếp tục tái diễn và có chiều hướng gia tăng.

Việc sử dụng điện thoại không dây chuẩn DECT 6.0 không đúng băng tần quy hoạch cũng gây nhiễu cho mạng 3G, còn thiết bị trạm lặp của người dân gây nhiễu cho mạng di động. Một số thiết bị gây nhiễu di động sau một thời gian sử dụng, bị trôi tần số gây nhiễu băng tần thu các trạm gốc mạng di động. Ngoài ra, còn có nhiều thiết bị bộ đàm, mạng dùng riêng hoạt động không có giấy phép, sai quy định gây nhiễu cho các mạng dùng riêng khác.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, vấn đề can nhiễu nặng nề không chỉ xảy ra ở đô thị lớn như Hà Nội mà còn ở nhiều nơi, do đó cần tăng cường quản lý xuất nhập khẩu thiết bị kích sóng, điện thoại xách tay. Thời gian qua Cục Tần số đã đề nghị Đại sứ quán Canada và Mỹ cùng tuyên truyền, tuy nhiên hiện nay lại có hiện tượng điện thoại hợp quy mà vẫn gây can nhiễu do ngoài vỏ đúng tiêu chuẩn nhưng thiết bị bên trong lại không đạt chuẩn.

Tại hội nghị, ông Phan Tâm, Cục trưởng Cục Viễn thông cũng cho rằng việc thiết bị kích sóng di động xuất hiện tràn lan, người dân sử dụng thiết bị kích sóng tùy tiện có nguyên nhân sâu xa do chất lượng phủ sóng của nhiều khu vực chưa được đảm bảo, chất lượng sóng kém.

“Để hạn chế việc tràn lan thiết bị kích sóng, đề nghị các doanh nghiệp viễn thông cần quan tâm hơn đến chất lượng phủ sóng”, lãnh đạo Cục Viễn thông nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng lưu ý: Để hạn chế thiết bị gây can nhiễu xuất hiện tràn lan, bên cạnh vấn đề tuyên truyền cho người dân hiểu về những tác hại của thiết bị can nhiễu, phối hợp cùng các ngành chức năng như hải quan không để thiết bị nhập khẩu tràn lan vào thị trường Việt Nam, thì về phía các doanh nghiệp viễn thông phải nâng cao chất lượng mạng, phát triển trạm BTS để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dùng.