0
Giỏ Hàng

Hỗ trợ trực tuyến

Hotline: 0933.16.3939

Skype: ufotechco

Gmail: ufotechco@gmail.com

Email: ufotechco@gmail.com

Xu thế dịch chuyển của thị trường viễn thông di động Việt Nam: từ “Nhà Mạng” tới “Nhà Cung Cấp Dịch Vụ”


Liên tục trong thời gian gần đây, thị trường viễn thông di động Việt Nam đã chứng kiến nhiều biến chuyển lớn: Viettel đẩy mạnh đầu tư ra 10 thị trường nước ngoài song song với việc cung cấp thêm nhiều dịch vụ phi-thoại và phi-tin nhắn (non-voice, non-sms), tách rời Công ty Thông tin Di động (VMS MobiFone) khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để nâng cấp thành Tổng Công ty Viễn thông MobiFone cung cấp đa dịch vụ ra thị trường, đồng thời hoàn  thành tái cấu trúc Tập đoàn VNPT trong đó Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT-Vinaphone là nòng cốt với các hạng mục kinh doanh được mở rộng bên cạnh dịch vụ thông tin di động truyền thống.   

 

Việc đẩy mạnh đầu tư ra các thị trường nước ngoài, vào các mảng dịch vụ phi truyền thống (thoại, tin nhắn) cũng như quyết tâm tái cấu trúc lại các hạng mục kinh doanh của các “nhà mạng” nói trên nhìn chung là khá tốn kém về mặt chi phí cũng như sẽ gây ra những xáo trộn nhất định về mặt cơ cấu tổ chức cũng như tình hình kinh doanh trong thời gian đầu. Tuy nhiên, động thái trên cho chúng ta thấy rõ quyết tâm của những “nhà mạng” này về việc xây dựng và triển  khai chiến lược phát triển kinh doanh mới, bắt kịp với xu thế phát triển hoàn toàn mới của ngành cung cấp dịch vụ thông tin di động toàn thế giới ngày nay. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về tiền đề cho sự thay đổi mang tính chất bước ngoặt này, cũng như phân tích về xu thế dịch chuyển của thị trường viễn thông di động Việt Nam trong thời gian tới.

Hàn Quốc – Con rồng của thế giới về dịch vụ di động

Để có cái nhìn tổng thể về thị trường cung cấp dịch vụ thông tin di động của thế giới, chúng ta hãy cùng nhìn vào Hàn Quốc, quốc gia tiên phong không chỉ trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương mà còn trên toàn thế giới về việc tái cấu trúc và đẩy mạnh các dịch vụ thông tin di động mới. Theo các báo cáo của Budde Comm, Australia (hãng nghiên cứu về thị trường viễn thông lớn nhất trên mạng Internet hiện nay) cũng như Strand Consulting của Đan Mạch, doanh thu bình quân trên từng thuê bao (ARPU – Average Revenue Per User) của Hàn Quốc hiện đã ngang bằng với các nước phát triển phương Tây (xấp xỉ 25 USD/thuê bao/tháng), đặc biệt là Tây Âu, mặc dù thu nhập bình quân đầu người (GDP per capita) của Hàn Quốc năm 2014 mới chỉ bằng khoảng 1/3 so với các nước phát triển phương Tây. Sở dĩ có con số ấn tượng như trên là do Hàn Quốc đã tiên phong trong việc cung cấp các dịch vụ phi-thoại và phi-tin nhắn, trên cơ sở triển khai mạng dữ liệu tốc độ cao 4G-LTE từ rất sớm (đầu những năm 2010). Các dịch vụ nội dung dành cho người dùng cuối (end-user) rất phong phú và đa dạng, đặc biệt là các nội dung về giải trí, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, thẩm mỹ, du lịch, thương mại điện tử, tài chính điện tử…

Sự thâm nhập của điện thoại di động năm 2014 tại Hàn Quốc đạt  hơn 110% và số thuê bao sử dụng dịch vụ băng rộng di động 4G-LTE tăng bình quân 40-50% mỗi năm kể từ 2011 là minh chứng rõ rệt cho việc nhu cầu về thông tin và nội dung đã thúc đấy sự phát triển của thị trường viễn thông di động. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ lớn của Hàn Quốc như SK Telecom và Korea Telecom đều sở hữu cho mình lượng khách hàng doanh nghiệp (business customers) rất lớn bằng việc cung cấp các dịch vụ chất lượng cao (high-end enterprise solutions) phục vụ cho việc tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này như dịch vụ điện toán đám mây di động, lưu trữ và bảo toàn, bảo mật dữ liệu, các giải pháp dựa trên nền tảng location-based (LBS), cũng như các giải pháp cung cấp nền tảng hạ tầng và ứng dụng phát triển và quản lý điều hành kinh doanh quan trọng.

Các kết quả đạt được như nói trên của các nhà cung cấp dịch vụ di động tại Hàn Quốc được bắt nguồn từ việc nhìn xa trông rộng. Ngay từ giữa những năm 1990, khi thông tin di động cơ bản (thoại, tin nhắn trên nền GSM và CDMA) mới bắt đầu được triển khai trên diện rộng thì các chuyên gia ngành viễn thông của Hàn Quốc đã bắt đầu nhắc đến khái niệm “Value Added Services Provider” (nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng) và nhấn mạnh rằng việc xây dựng mạng dữ liệu di động tốc độ cao là điều “bắt buộc phải làm để vượt qua sự bão hoà của dịch vụ thoại và tin nhắn trong tương lai không xa” (Jho WhasunBuilding Telecom Markets, Viện Kinh tế Chính trị Châu Á – Thái Bình Dương, Hàn Quốc, 1995). Đây là điều kiện cần, cộng với điều kiện đủ là việc nhìn nhận rất rõ ràng về nhu cầu thông tin xã hội Hàn Quốc ngày càng tăng mạnh và đa dạng, qua đó các nội dung phong phú về giải trí, giáo dục, sức khoẻ, tài chính, thương mại v.v  được cung cấp tới từng người dùng thông qua những thiết bị đầu  cuối CDMA còn đơn giản đã nhanh chóng đưa Hàn Quốc chiếm thế thượng phong so với các quốc gia phương Tây trong cuộc đua trở thành các nhà cung cấp dịch vụ di động hàng đầu thế giới.

Các nhà cung cấp dịch vụ mới, xu thế Internet của Vạn Vật (Internet of Things – IOT) và thách thức đối với các nhà cung cấp viễn thông di động truyền thống.

Khái niệm “Dump Pipe Provider” (nhà cung cấp ống rỗng, nôm na là chỉ cung cấp các dịch vụ về hạ tầng mà không cung cấp nội dung hay thông tin) bắt đầu xuất hiện đầu những năm 2000 khi những KiloBytes (KB) dữ liệu đầu tiên được truyền qua mạng dữ liệu di động thế hệ mới 2.5G (EDGE) và 3G (HSPA). Việc có một hạ tầng mạng dữ liệu tốc cao hơn, cộng với việc ra đời và phát triển như vũ bão của các thiết bị điện tử cầm tay thông minh (smart devices) đã thúc đẩy nhu cầu cập nhật thông tin, giải trí, xử lý công việc v.v thông qua các thiết bị này càng ngày càng lớn và phát triển thành nhiều cộng đồng với những nhu cầu và bản sắc khác nhau. Đây cũng là thời gian chúng ta chứng kiến sự ra đời và lớn mạnh không ngừng của các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Apple, Amazon v.v hay của các nhà cung cấp dịch vụ social media như Facebook, Twitter, Instagram, LinkedIn...(gọi chung là các nhà cung cấp dịch vụ mới).

Sẽ là hoàn toàn khách quan khi đi đưa ra nhận định rằng các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động đã chủ quan, hay chính xác hơn là không lường trước được nhu cầu của người sử dụng cũng như sự đe doạ tiềm tàng của các nhà cung cấp dịch vụ OTT, dịch vụ nội dung thông qua hệ thống kho ứng dụng (Application Store), các ứng dụng mạng xã hội (Social Media Applications) nên đã gần như là bỏ qua việc phát triển nội dung cho các dịch vụ của mình. Việc các nhà mạng viễn thông di động trên toàn thế  giới đầu tư hàng nghìn tỷ đôla trong khoảng 3, 4 năm vừa qua để tăng cường sức mạnh về hạ tầng và chỉ tập trung vào các dịch vụ truyền thống như thoại, tin nhắn, gói data… đã khiến cho sự phát triển của các nhà cung cấp dịch vụ mới có cơ hội và điều kiện để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Chưa bao giờ việc truy cập vào mạng dữ liệu tốc độ cao lại thuận tiện, dễ dàng và rẻ như hiện nay, đặc biệt là ở các thị trường đang phát triển (emerging markets). Các nhà mạng viễn thông dần trở thành các “dump pipe providers” từ lúc nào không hay. Việc này cũng tương tự như việc bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng một con đường cao tốc to đẹp nhưng các phương tiện giao thông chạy trên đó lại trả phần lớn lệ phí cầu đường cho một bên thứ ba cung cấp các dịch vụ dọc trên con đường đó. Theo như lý thuyết của BCG (Boston Consulting Group) về lợi thế cạnh tranh, các nhà mạng viễn thông đã quá chăm chút cho con bò sữa (Cash Cow) của mình mà bỏ qua các yếu tố dẫn tới sự phát triển mới (Star).

 Tại thời điểm 2015, sự đe doạ của các nhà cung cấp dịch vụ mới đối với các nhà mạng không còn là tiềm tàng nữa mà đã hiện hữu rõ rệt. Phần giá trị gia tăng thu được đã nằm phần lớn trong tay các nhà cung cấp dịch vụ mới, thể hiện rất rõ qua việc giá trị thị trường (market cap) cũng như giá thương hiệu của các công ty như Google, Facebook, Apple v.v đã lên đến hàng chục thậm chí là hàng trăm tỷ Đô la Mỹ, bỏ xa các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống.  Việc này cũng dẫn đến tình trạng các nhà mạng viễn thông trở thành các nhà cung cấp hàng hoá dịch vụ thông thường, tức là không khác nhau nhiều về giá và chất lượng, lợi thế cạnh tranh ngày càng mất đi và lợi nhuận cũng như giá trị thị trường càng ngày càng suy giảm.

Bên cạnh đó,  khái niệm “Internet của Vạn vật” (Internet of Things – IoT) đang càng ngày càng được nhắc đến và được các nhà cung cấp dịch vụ mới quan tâm nhiều hơn. IoT sẽ đưa thế giới đến “đại đồng”, ở đó tất cả mọi người và mọi vật sẽ được kết nối cùng với nhau thông qua mạng Internet để trở thành một “Xã hội Kết nối” (Networked Society – theo thuật ngữ của Ericsson). Không phải là vô cớ khi các nhà cung cấp dịch vụ mới như Facebook hay Google đã tuyên bố rằng họ xem xét một cách nghiêm túc khả năng trở thành nhà cung cấp độc lập từ hạ tầng mạng dữ liệu cho tới dịch vụ nội dung và ứng dụng thông qua hệ thống vệ tinh toàn cầu. Việc hạn chế sự ảnh hưởng của các nhà cung cấp dịch vụ mới ở một số quốc gia thông qua can thiệp chính sách, điển hình là Trung Quốc, cũng khó có thể ngăn chặn được làn sóng này. Nếu điều này trở thành sự thật thì Facebook và Google hay Apple với hàng tỷ thuê bao sẽ khiến ngành dịch vụ viễn thông di động toàn thế giới lâm vào con đường phá sản và viễn cảnh tồi tệ đó không phải là không thể xảy ra với các nhà mạng.

Xu thế dịch chuyển của thị trường viễn thông di động Việt Nam: từ “nhà mạng” đến “nhà cung cấp dịch vụ

Trao đổi với chuyên gia viễn thông Đào Trung Thành, phó giám đốc Công ty MVV Mobile, người đã có hơn 20 năm gắn bó với ngành viễn thông Việt Nam về xu thế dịch chuyển của thị trường viễn thông di động trong nước thời gian tới, ông Thành có nhận định: “Đối thủ lớn nhất của các nhà mạng trong nước không còn là những nhà mạng trong nước còn lại, mà giờ đây, các nhà cung cấp đa dịch vụ xuyên biên giới mới là những đối thủ nặng ký nhất của nhà mạng Việt Nam. Các nhà mạng viễn thông Việt Nam rất cần thiết phải tự dịch chuyển mình thành các nhà cung cấp dịch vụ, tức là thị trường cần gì thì chúng tôi cung cấp chứ không phải chúng tôi cung cấp cái chúng tôi có cho thị trường”.

Lý giải cho nhận định này, chuyên gia Đào Trung Thành đưa ra ví dụ về việc Google hay Facebook đang thử nghiệm cung cấp dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao toàn cầu, cạnh tranh trực tiếp với các nhà mạng viễn thông truyền thống, với tham vọng phủ sóng internet miễn phí toàn cầu trong tương lai không xa. Sát với thực tế hơn, không khó khăn để chúng ta có thể thấy rằng hầu như bất cứ người dùng thiết bị thông minh nào tại Việt Nam đều đang trả tiền sử dụng dịch vụ nội dung (nội dung số như âm thanh, hình ảnh, các ứng dụng, dịch vụ back-up dữ liệu …) thông qua các kho ứng dụng toàn cầu như Apple AppStore, Google Play, Windows Appstore hay các kho ứng dụng trong nước như Appota... Các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số trong nước như Zing, VNG, Garena… cũng đang trỗi dậy mạnh mẽ thu hút một lượng người dùng đầu cuối đáng kể, và các nhà cung cấp dịch vụ này đang dần dần lấn lướt các nhà mạng viễn thông về chất lượng nội dung và chất lượng dịch vụ. Gần đây nhất, một vị đại diện cho một doanh nghiệp viễn thông di động ở Việt Nam đã bày tỏ quan điểm “không biết nên buồn hay vui” khi đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2015 không còn nghẽn mạng di động nữa, do có quá nhiều người đã chuyển sang sử dụng các ứng dụng OTT để nhắn gửi lời chúc Tết tới nhau.

Ở mảng khách hàng doanh nghiệp, Amazon Web Services (AWS) hay Google cũng đang nhắm đến mảng cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, lưu trữ dữ liệu, sao lưu bảo vệ và bảo mật dữ liệu, cung cấp dịch vụ email cho các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ bằng vài cái click chuột và thông qua hệ thống thanh toán bằng thẻ tín dụng vô cùng đơn giản và tiện lợi, chi phí đầu tư ban đầu gần như bằng 0 và trả theo thực tế sử dụng (pay-as-you-grow) trong khi đó nhu cầu trong thị trường hiện là rất lớn, đặc biệt là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Nhà mạng” (Mobile Network Operator) hay “Nhà cung cấp dịch vụ” (Mobile Services Provider?

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của AWS năm 2013, đến năm 2020, Châu Á – Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam, sẽ là khu vực tăng trưởng mạnh nhất về dữ liệu và các nhu cầu liên quan đến việc sử dụng, chia sẻ, trao đổi, lưu trữ, sao lưu bảo vệ dữ liệu nội dung của cá nhân và tổ chức. Sự giao thoa giữa công nghệ viễn thông, đặc biệt là viễn thông di động và công nghệ thông tin trong thời gian gần đây đã giúp các nhà cung cấp dịch vụ có thể đưa ra những dịch vụ mới cho người dùng cuối, cũng như các giải pháp phục vụ cho nhu cầu quản lý điều hành sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp một cách nhanh chóng.

Cũng theo lộ trình phát triển đến năm 2020 của ngành Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng viễn thông di động Việt Nam sẽ sớm triển khai hệ thống mạng data tốc độ cao 4G LTE sớm nhất bắt đầu tư 2016. Đây sẽ là tiền đề vô cùng quan trọng không chỉ cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, mà còn là tiền để để các nhà mạng chuyển hoá thành nhà cung cấp dịch vụ thực thụ, cạnh tranh được một cách bình đẳng với các nhà cung cấp đa dịch vụ xuyên biên giới. Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là các doanh nghiệp viễn thông di động Việt Nam cần trước hết phải nhận thức rõ được xu thế phát triển của thế giới trong những năm tới, cũng như nhu cầu của người dùng là cá nhân và doanh nghiệp trong nước. Lợi thế lớn nhất mà các doanh nghiệp viễn thông di động có được sẽ là khả năng Việt hoá (localize) các nội dung và dữ liệu, việc này hoàn toàn phù hợp với thị trường Việt Nam khi khả năng ngoại ngữ của Việt Nam là chưa cao.

Từ 2014 trở lại đây, các doanh nghiệp viễn thông di động trong nước như Viettel, MobiFone và  Vinaphone đã có những bước đi cụ thể  nhằm xác định chiến lược phát triển trong thời gian tới, trong đó các dịch vụ về nội dung, dữ liệu và ứng dụng cần được phải ưu tiên phát triển, phù hợp với nhu cầu của người dùng cá nhân cũng như tổ chức trong các lĩnh vực giải trí, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, du lịch, thương mại điện tử v.v  Đây là định hướng dù triển khai có hơi muộn, nhưng hoàn toàn là đúng đắn để các “nhà mạng” Việt Nam tiến một bước dài trở thành “nhà cung cấp dịch vụ”, cạnh tranh được với các nhà cung cấp đa dịch vụ xuyên biên giới trong thời gian tới đây, trong bối cảnh doanh thu từ các dịch vụ thoại và tin nhắn truyền thống đang trên đà sụt giảm nhanh chóng theo thời gian.